Đại tạng kinh

Đại tạng kinh (chữ Hán: 大藏經), còn được gọi tắt là Tạng kinh (藏經) hay Nhất thiết kinh (一切經), là danh xưng dùng để chỉ các tổng tập Kinh điển Phật giáo. Một thuật ngữ khác được sử dụng gần tương đương với Đại tạng kinh là Tam tạng (zh. 三藏, sa. त्रिपिटक, tripiṭaka; pi. Tipiṭaka). Theo lịch sử, có nhiều bản Đại tạng kinh từng tồn tại như Đại tạng Pali, Đại tạng Hán văn, Đại tạng Tạng văn, cũng các bản dịch sang các ngôn ngữ khác như tiếng Tây Hạ, tiếng Mông Cổ, tiếng Mãn, tiếng Nhật, tiếng Việt... Trong đó, các phiên bản Hán văn có số lượng lớn nhất với các phiên bản Càn Long tạng, Gia Hưng tạng... Do sự phổ biến này, một số học giả phương Tây thường dùng thuật ngữ Đại tạng kinh để chỉ riêng các bộ tổng tạng chữ Hán.Hai phiên bản Đại tạng kinh Hán văn nổi tiếng nhất là Bát vạn Đại tạng kinh của Cao Ly (bản tạng khắc cổ nhất được bảo tồn nguyên vẹn)[1][2]Đại Chính tân tu Đại tạng kinh của Nhật Bản (bản tạng hoàn chỉnh có giá trị học thuật nhất).[3][4]